Giỏ hàng

Hỏi Đáp - Thắc Mắc

CÁC CÂU HỎI ĐÁP THƯỜNG GẶP VỀ KÍNH ÁP TRÒNG

Q1: Làm sao để nhận biết kính áp tròng mình đang sử dụng đúng thật là sản phẩm chính hãng chứ không phải là hàng trôi nổi được gắn nhãn mác giả mạo?

A1: Tham khảo ngay những tiêu chí sau để chọn được cho mình một cặp kính áp tròng vừa đẹp vừa an toàn cho sức khoẻ bạn nhé:

1/ Sản phẩm nhập khẩu cần có giấy phép nhập khẩu do cơ quan chính phủ có thẩm quyền cấp. Đối với thị trường Việt Nam, kính áp tròng được xếp vào danh mục thiết bị y tế, do đó cần phải được Bộ Y tế cấp phép.

2/ Nên chọn những sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng bởi các tổ chức quốc tế như ISO, FDA, CE...

3/ Chọn các sản phẩm trên bao bì có thể hiện đầy đủ nội dung, thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt.

4/ Chọn các sản phẩm được bán trong các cửa hàng mắt kính, bệnh viện uy tín.

5/ Chọn các sản phẩm được đóng gói kỹ càng, niêm phong hoàn chỉnh.

6/ Chọn kính áp tròng có độ ngậm nước thấp để hạn chế tình trạng khô mắt khi đeo.

3 BƯỚC NHẬN BIẾT KÍNH ÁP TRÒNG CHÍNH HÃNG
  1. TRÊN BAO BÌ CÓ NỘI DUNG TIẾNG VIỆT

    Căn cứ theo nghị định số 89/2006/NĐ-CP: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Vì thế những sản phẩm kính áp tròng mà trên bao bì không có thông tin bằng tiếng Việt thì đều là hàng không rõ xuất xứ.



  2. CÓ GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU DO BỘ Y TẾ CẤP
    Căn cứ Thông tư 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế quy định về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế: Mặt hàng「Kính mắt, kính áp tròng (cận, viễn, loạn) và dung dịch bảo quản kính áp tròng」(mã hàng 9004.90.10) phải được Bộ Y tế cấp giấy phép nhập khẩu. Vì vậy khi mua kính áp tròng cần kiểm tra giấy phép nhập khẩu để đảm bảo sản phẩm đã được chính phủ VN phê chuẩn.

    Link kiểm tra GPNK: http://203.190.173.37:8080/Pages/tracuu.zul

    Sau khi bấm vào link bạn sẽ thấy giao diện như trong hình, bạn điền tên công ty vào ô Tên đơn vị xin nhập khẩu, sẽ nhận được kết quả là tất cả những GPNK mà công ty đó đã được cấp.



    Ngoài ra, nếu bạn đã biết mã số giấy phép nhập khẩu, thì bạn cũng có thể gõ vào ô Số công văn của doanh nghiệp, để xem từng GPNK.



  3. PHÂN BIỆT BẰNG MÃ VẠCH
    Mã vạch có hai loại, đó là mã vạch gồm 8 số và mã vạch gồm 13 số. Từ mã vạch chúng ta sẽ biết được những thông tin về dòng sản phẩm mà mình mua. Mã vạch không thể làm giả được.
    Để xem sản phẩm xuất xứ từ đâu, hãy nhìn 3 chữ số đầu tiên của mã vạch. Ví dụ nếu 3 chứ số đầu là 893 thì biết ngay mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam, sản phẩm kính áp tròng Eye Secret có xuất xứ từ Đài Loan nên 3 chữ số đầu của mã vạch là 471. 

    Đây là link tham khảo bảng mã vạch của các quốc gia trên thế giới: http://baohothuonghieu.com/banquyen/tin-chi-tiet/ma-so-ma-vach-cac-nuoc/465.html

    Khi đã biết nơi xuất xứ, để xem đó là hàng thật hay hàng giả bạn hãy lấy tổng của các con số ở vị trí hàng chẵn nhân 3 rồi cộng với tổng các con số ở vị trí hàng lẻ (nhưng trừ số ở vị trí thứ 13 ra vì đây là con số để các cơ quan có thẩm quyền đối chiếu, kiểm tra).
    Sau khi ra đáp số, bạn tiếp tục cộng với con số ở vị trí thứ 13. Nếu kết quả cuối cùng có số đuôi bằng 0 thì đây là hàng thật, nếu số đuôi khác 0 thì đây chắc chắn là hàng giả, hàng nhái.
    Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể tải ứng dụng Barcode scanner và QR Code Scanner trên Android và IOS để kiểm tra xuất xứ hàng hóa (Nếu phần mềm update chính xác và thông số chính xác, scan sản phẩm sẽ đem đến độ chính xác 99%). Dưới đây là ví dụ về 1 sản phẩm của Eye Secret, khi quét mã vạch sẽ hiện thông tin về nhà sản xuất (công ty Yung Sheng)


Q2: Thông tin 38%, 42%, 45%, 55%... hay ghi trên kính áp tròng là gì?

A2: Đó là tỷ lệ ngậm nước của kính áp tròng. Tức là tỷ lệ phần trăm hơi nước chiếm trong trọng lượng của kính áp tròng sau khi đã hấp thụ bão hoà nước.

Kính áp tròng giống như một miếng bọt biển hút nước, khi đeo lên mắt, hơi nước trong kính bắt đầu bốc hơi, nên kính sẽ tự động hút nước trên mắt để duy trì kích cỡ của kính. Nhưng khi nước mắt bị kính hút lấy mà không kịp bổ sung nước cho mắt, thì mắt sẽ bị khô rát. Vì thế nên kính có tỷ lệ ngậm nước thấp sẽ sử dụng được lâu hơn mà không lo bị khô mắt.

 Khuyến cáo: Kính có tỷ lệ ngậm nước 55% chỉ nên đeo trong 6~8 tiếng mỗi ngày, kính có tỷ lệ ngậm nước thấp hơn 45% có thể đeo liên tục 10~12 tiếng mỗi ngày.

  • Chất liệu có tỷ lệ ngậm nước thấp có độ co dãn cao, có thể tạo ra thấu kính cực kỳ mỏng, nên bền và ổn định hơn chất liệu có tỷ lệ ngậm nước cao.
  • Chất liệu có tỷ lệ ngậm nước cao sẽ có tỉ lệ thấm khí tương đối cao, nhưng để đảm bảo độ bền, thấu kính thường được làm rất dày. Mà chính bởi vì hàm lượng nước trong chất liệu khá cao, nên dễ hư hỏng, không bền.


Q3: TẠI SAO CẦN PHẢI DÙNG THUỐC NHỎ MẮT VÀ TẠI SAO KHÔNG NÊN ĐEO LENS QUÁ LÂU?

A3:- 85% lượng oxy cung cấp cho mắt được cung cấp thông qua quá trình trao đổi ở giác mạc. Nhưng khi đeo kính áp tròng, quá trình trao đổi oxy bị hạn chế, dẫn đến tình trạng khô mắt do thiếu oxy. Nếu mắt bị thiếu oxy nghiêm trọng, có thể dẫn tới loét giác mạc và có tỉ lệ mù lòa cao

- Nước nhỏ mắt có thành phần nước mắt nhân tạo, nên nó cung cấp độ ẩm cho mắt, thực hiện 1 phần nhiệm vụ trao đổi oxi, vì vậy thiếu nó, quang trọng giống nhứ việc bạn bịt mũi lại không cho mình thở vậy !

- Nếu các nàng chưa tin là mắt có khả năng thiếu oxy hoặc chưa thấy hiện tượng khô mắt, thì hãy đeo thử những dòng lens độ ngậm nước 42% trở lên tầm 10h và không kèm nhỏ mắt, sẽ thấy ngay dấu hiệu mờ cùng mỏi mắt.


Q4: Vì sao nên đeo kính áp tròng có khả năng chống tia cực tím?

A4: Bạn có biết, bộ phận nào trên cơ thể chúng ta dễ bị tổn thương bởi tia cực tím nhất không? Đáp án chính xác là đôi mắt của bạn đấy!

Các tia cực tím đi qua con ngươi và được hấp thụ bởi thủy tinh thể có thể gây ra đục thủy tinh thể. Bức xạ từ mặt trời tiếp xúc với mắt tập trung ở giác mạc, lớp ngoài cùng có cấu tạo trong suốt ở mắt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các bức xạ từ tia UV có thể tiếp cận đến hầu hết các vị trí ở mắt phía bên ngoài, gây ra sự thay đổi cấu tạo các mô ở phần bên trong mắt, dẫn tới sự hình thành các mộng mỡ (pingueculea) và mộng thịt (pterygia) ở mắt.

Hiệp hội nhãn khoa của Mỹ khuyên dùng các sản phẩm kính mát có khả năng chống tia UV-A và UV-B để bảo vệ sức khỏe mắt, tuy nhiên nhiều loại kính mát không thể giúp mắt tránh khỏi các bức xạ mặt trời tiếp xúc ở hai bên mắt hoặc khu vực hở xung quanh rìa kính. Đây chính là lợi thế của kính áp tròng so với kính mát trong cuộc chiến chống tia UV.

Ngoài khả năng hấp thụ và giảm thiểu lượng bức xạ mặt trời chiếu tới mắt, kính áp tròng còn bảo vệ mắt khỏi các bức xạ tiếp cận với mắt từ xung quanh rìa mà kính mát không thể ngăn cản hết. Sự toàn diện này biến kính áp tròng trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của người sử dụng: Vừa làm đẹp mắt, vừa bảo vệ sức khỏe mắt.

Các sản phẩm kính áp tròng thuộc nhãn hàng Horien Eye Secret đều có khả năng hấp thụ và ngăn chặn hơn 70% tia UV-A và tới 95% tia UV-B tiếp xúc với mắt, nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi hoạt động ngoài trời mà không lo mắt bị tổn thương.


Q5: Có thể đeo kính áp tròng khi chơi thể thao không?

A5: Đáp án là có bạn nhé. Bên cạnh công dụng làm đẹp thì kính áp tròng còn là một sự tiện lợi cho những ai hay tham gia các môn vận động. Nhiều môn thể thao đòi hỏi người chơi phải có thị lực tốt, như: đá bóng, chạy bộ, leo núi, đua xe... Nếu đeo kính gọng lúc vận động dễ bị tuột, rớt; dễ bám mồ hôi, nước gây mờ kính, thậm chí có thể gãy, vỡ do va chạm mạnh, đủ loại nguyên nhân khiến cho việc đeo kính gọng trở nên bất tiện. Vì thế, lúc vận động nên đeo kính áp tròng, vừa đơn giản, an toàn lại tiện lợi. Tầm nhìn rõ ràng có thể giúp bạn nâng cao thành tích thi đấu.


Q6: Hạn sử dụng của kính áp tròng được tính thế nào?

A6: Kính áp tròng cũng như dung dịch ngâm, nước nhỏ mắt Eye Secret đều có 2 loại hạn sử dụng: Một là hạn sử dụng trước khi mở niêm phong và hai là sau khi mở niêm phong.

Với các dòng lens của Eye Secret, bạn có thể để được đến 5 năm kể từ ngày sản xuất khi chưa mở niêm phong.

Còn dung dịch ngâm và nước nhỏ mắt thì để được 3 năm kể từ ngày sản xuất nếu chưa mở nắp.


Q7: Kính áp tròng sau khi mở ra thì nên đeo trong bao lâu?

A7: Một số bạn hiểu lầm rằng kính áp tròng dùng 3 tháng nghĩa là cứ đeo lên mắt suốt 3 tháng rồi mới tháo ra. Nhưng điều này là cực kỳ sai lầm bạn nhé. Mỗi ngày chúng ta chỉ nên đeo kính áp tròng trong khoảng 6-8 tiếng (với kính áp tròng có độ ngậm nước >50%) và 10-12 tiếng (với loại có độ ngậm nước chỉ 38% như Eye Secret).


Q8: Đối tượng nào không nên đeo kính áp tròng?

A8: - Người bị viêm giác mạc, các bệnh về mắt: Do lúc này mắt yếu, vi khuẩn trong không khí dễ xâm nhập vào mắt thông qua kính áp tròng

- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi, dễ khô mắt, nên tốt nhất không nên đeo kính áp tròng. Nếu đeo kính thì bạn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng Dung dịch nhỏ mắt “Eye Secret” để nhỏ mắt khi cảm thấy mắt khô.

- Người vừa mổ mắt: Bạn chỉ nên đeo kính áp tròng sau khi mổ mắt từ 1 năm trở lên, do lúc vừa mổ giác mạc còn yếu, chưa thể thích ứng với vật lạ đưa vào mắt như kính áp tròng.


Q9. Khi nào không được đeo kính áp tròng:

A9: - Khi đi ngủ: Buổi tối trước khi đi ngủ nhớ tháo kính áp tròng ra rửa rồi ngâm qua đêm, ngày hôm sau mới được đeo lên lại bạn nhé. Bởi vì mắt cũng cần hô hấp, nhưng do không có mạch máu nên phải nhờ nước mắt để trao đổi oxy, nhưng nếu chúng ta nhắm mắt khi đeo kính áp tròng thì mắt không được tiếp xúc với không khí, sẽ dẫn đến tình trạng mắt thiếu oxy. Ngoài ra khi ngủ mắt chúng ta tiết nước mắt rất ít, mắt dễ bị khô. Cho nên tất cả các loại kính áp tròng hiện nay đều được khuyến nghị “Không nên mang kính ngủ qua đêm”.

- Khi đang bị cảm: khi bị cảm sức đề kháng của chúng ta giảm sút, khả năng chống lại bệnh tật sẽ yếu đi, rất dễ bị các vi khuẩn trong môi trường bên ngoài tấn công, nên rất có khả năng mắt bạn sẽ bị viêm loét giác mạc do vi khuẩn xâm nhập

- Khi đi bơi: Nước hồ bơi là môi trường chứa đầy vi khuẩn, đeo kính áp tròng khi đi bơi dễ khiến vi khuẩn trong hồ bám lên bề mặt miếng kính, xâm nhập vào cơ thể, ngoài ra khi ở dưới nước miếng kính cũng có nguy cơ rơi ra khỏi mắt. Do đó nếu phải bơi lặn trong nước thì không nên đeo kính áp tròng.

- Trong quá trình đeo kính, bất cứ lúc nào mắt cảm thấy khó chịu, đều cần lập tức tháo kính ra. Nếu bạn ngâm rửa cẩn thận và đeo đúng bề thì kính áp tròng Eye Secret sẽ không gây ra bất kì cảm giác cộm hay ngứa gì.

- Nếu bề mặt miếng kính xuất hiện bất kì vết trầy xước nào, tốt nhất không nên sử dụng tiếp, mà hãy thay miếng lens mới.

- Nếu thấy miếng kính bị bám bụi hoặc có dị vật, cần phải rửa kỹ lại bằng dung dịch ngâm kính, rồi ngâm qua đêm để sát trùng rồi mới được đeo lên lại.

- Nếu sau đó đeo lên vẫn cảm thấy khó chịu, thì không nên tiếp tục sử dụng miếng lens đó nữa, tốt nhất nên đến khám bác sĩ nhãn khoa, để xác định nguyên nhân và xử lý kịp thời, tránh gây tổn thương giác mạc.


Q10: Nên tránh làm gì khi đeo kính áp tròng:

A10: - Để móng tay / vật sắc nhọn chạm vào bề mặt kính áp tròng: Miếng kính rất mỏng manh, dễ bị trầy, có những vết trầy cực nhỏ mà mắt thường không thấy được, nhưng vẫn gây cộm, xót cho mắt người đeo. Do đó cần tránh những nhân tố dễ gây trầy xước bề mặt miếng kính như: để móng tay, vật cứng, nhọn (nhíp gắp đã mất miếng nhựa bọc) chạm vào miếng kính, không sử dụng lại miếng kính đã bị khô nước quá lâu, bị dị vật cạ vào trong lúc vệ sinh.

- Dụi mắt: khi bị bụi bay vào mắt lúc đeo kính áp tròng, tuyệt đối không dụi mắt vì như vậy dễ làm rơi miếng kính ra, hoặc làm kính mắc kẹt vào mí mắt, thậm chí có thể làm trầy, rách miếng kính. Tốt nhất nên chớp mắt nhiều lần cho nước mắt chảy ra hoặc nhỏ nước nhỏ mắt Eye Secret để đẩy bụi bẩn trôi đi. Sau đó tháo kính ra, vệ sinh lại bằng dung dịch chuyên dụng rồi mới đeo lên lại.


Q11: Vì sao rõ ràng kính áp tròng đã ngâm rửa rất kỹ, nhưng vẫn có cảm giác không được sạch, mép kính giống như bị sờn lông, vừa đeo một lát đã thấy khô mắt...

A11: Rất có thể tình trạng này xuất hiện là do dung dịch ngâm kính bạn đang sử dụng đã hết hạn sử dụng rồi! Cho nên đã mất đi tác dụng vệ sinh các chất bẩn lắng đọng trên bề mặt kính!


Q12: Những cặn bẩn hình thành trên bề mặt kính áp tròng là gì?

A12: Cặn bẩn hình thành trên bề mặt kính áp tròng chủ yếu gồm 3 loại thường gặp:

  1. Protein lắng đọng: khi nước mắt bốc hơi khỏi bề mặt kính áp tròng, sẽ để lại một lớp vật chất, sau khi trải qua tác động từ môi trường ô nhiễm, bức xạ mặt trời, sự ô-xy hóa... đã chuyển hóa thành dạng cặn màu trắng đục hoặc bán trong suốt.
  2. Chất béo: để giảm sự bốc hơi của nước mắt, trên bề mặt nước mắt thường được phủ một lớp chất béo cực mỏng. Đến khi đeo kính áp tròng, lượng chất béo này chuyển sang bám vào bề mặt miếng kính, tích tụ đến một lúc nào đó sẽ lắng thành cặn bám trên miếng kính.
  3. Mô sinh vật: Khi đeo kính áp tròng, mắt sẽ khô hơn bình thường, dưới sự kích thích của dị vật, mắt sẽ tăng tiết chất dịch, các chất này bám lên kính áp tròng, hình thành các mô sinh vật trong suốt. Nếu để lâu không vệ sinh kỹ sẽ bám chặt vào bề mặt miếng kính.


Q13: Vì sao kính áp tròng lúc mới mua khi đeo nhìn rất rõ, 1 thời gian sau bắt đầu càng lúc càng mờ?

A13: đó là vì mắt người không ngừng tiết ra nước mắt, mà trong nước mắt có chứa mỡ và protein, ngoài ra bụi bặm và các chất bẩn trong không khí cũng có thể bám lên miếng kính. Nếu sau khi đeo bạn không chùi rửa và bảo quản đúng cách, những cặn bẩn này sẽ còn bám lại trên đó và khiến miếng kính bị mờ, cũng giống như kính gọng đeo lâu không chùi rửa, sẽ khiến ta nhìn bị mờ. Do đó các bạn lưu ý sau mỗi lần đeo nhớ rửa thật cẩn thận và ngâm đủ thời gian với dung dịch ngâm chuyên dụng nhé.



Q14: Kính dùng 1 ngày có thể đeo nhiều lần trong ngày không?

A14: Kính dùng 1 ngày thực chất là loại được thiết kế để sử dụng 1 lần, do đó sau khi mở niêm phong chỉ có thể đeo 1 lần (tối đa 12 tiếng), chỉ cần là có đeo qua 1 lần, bất kể là đeo trong bao lâu, đều nên vứt đi, không được tái sử dụng, tốt nhất nên đeo ngay sau khi mở niêm phong.

.

Với kính áp tròng có hạn sử dụng dài ngày (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng), hằng ngày sau khi tháo kính ra, nhớ vệ sinh cẩn thận bằng dung dịch ngâm và đảm bảo kính luôn được ngâm trong dung dịch để diệt khuẩn nhé, điều đó giúp kính không bị biến dạng và tăng tuổi thọ của kính. Mỗi loại kính sẽ có cách bảo quản và chăm sóc riêng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các bạn nhớ xem kỹ hướng dẫn sử dụng được in bên trong vỏ hộp và tờ rơi tặng kèm theo khi mua kính nhé. Và khi kính đến hạn sử dụng (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng) thì bạn nên bỏ đi và thay bằng cặp lens mới nhé.


Q15: Mua kính áp tròng loại dùng 3 tháng, nhưng rất ít đeo, suốt 3 tháng chỉ đeo vài lần, vậy sau 3 tháng thì có đeo tiếp được nữa không?

A15: Bất kể là kính dùng 1 ngày, 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng, kể từ lúc mở niêm phong vỉ kính ra là đã bắt đầu tính hạn sử dụng rồi, đến thời hạn đó tuy rằng nhìn bề ngoài miếng kính không có gì bất thường hoặc chỉ mới đeo vài lần, song cũng không thể tiếp tục đeo được nữa. Bởi vì sau khi mở ra, chất liệu miếng kính đã bắt đầu bị lão hoá, bề mặt cũng bắt đầu bị vi trùng bên ngoài, cặn bẩn cũng như các chất do mắt tiết ra bám lên, nếu bạn đeo kính đã hết hạn sử dụng, có thể gây cảm giác khó chịu, thậm chí mắc các bệnh về mắt, do đó nhất định phải tuân theo đúng hạn sử dụng của miếng kính và thay kính mới đúng hạn.


Q16: Nếu bạn quên mất cặp kính đang đeo mở niêm phong từ ngày nào rồi thì phải làm sao để xác định hạn sử dụng?

A16: Hạn sử dụng kiến nghị in trên bao bì kính áp tròng là thời hạn do nhà sản xuất đề ra dựa trên cách sử dụng thông thường, song căn cứ vào thói quen đeo và bảo quản của từng người mà chất lượng và tuổi thọ của miếng kính sẽ bị ảnh hưởng khác nhau. Vì vậy cách đơn giản nhất để biết thời điểm thích hợp để thay miếng kính mới là xem lúc đeo có thoải mái hay không, nếu sau 1 thời gian sử dụng bạn cảm thấy mắt bị ngứa hoặc khó chịu khi đeo tức là đã đến lúc nên bỏ cặp lens đó rồi đấy.Nhất định không được vì tiếc tiền mà tiếp tục đeo, để tránh gây tổn thương cho đôi mắt bạn nhé.


Q17: Kính 1 ngày, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng có khác gì nhau?

A17: Mỗi loại kính với hạn sử dụng khác nhau sẽ có kỹ thuật gia công và thiết kế khác nhau, để tăng độ bền cho miếng kính, còn chất liệu và chất lượng thì hoàn toàn giống nhau. Kính có hạn sử dụng càng lâu sẽ càng chịu được nhiều lần chùi rửa hơn và khó bị rách, xước, trong khi vẫn đảm bảo độ dày thích hợp để đeo không bị cộm, đồng thời cũng ít bám bẩn hơn. Ngược lại, với những loại kính ngắn hạn như kính 1 ngày, sẽ được gia công cho mỏng hơn, dễ rách và bám bẩn, nên loại này chỉ đeo 1 lần rồi bỏ.


Q18: Dung dịch ngâm và nước nhỏ mắt sau khi mở nắp nên dùng trong bao lâu?

A18: Dung dịch ngâm và nước nhỏ mắt sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong vòng 3 tháng, nếu sau 3 tháng vẫn chưa xài hết thì cũng nên bỏ đi, mua chai mới. Bởi vì từ lúc mở nắp, vi khuẩn trong không khí đã bắt đầu bám lên miệng bình dung dịch ngâm và nước nhỏ mắt, nếu để lâu sẽ ngấm vào trong dung dịch gây nhiễm khuẩn, mất tác dụng sát trùng. Ngoài ra bạn nên dùng kính áp tròng và dung dịch ngâm của cùng hãng để đảm bảo độ tương thích, kéo dài tuổi thọ miếng lens nhé.


Q19: Độ tuổi nào có thể mang áp tròng?

A19: Nhiều bậc cha mẹ khá phân vân khi nói đến chuyện cho trẻ mang kính áp tròng. Theo các bác sĩ nhãn khoa, độ tuổi tối thiểu được mang kính áp tròng trung bình là 10 tuổi và 13 tuổi.


Q20: Tại sao cặp lens mình mới mua, mà khi đeo lên vẫn thấy mờ?

A20: Kính áp tròng Eye Secret trước khi xuất xưởng đều được đưa qua hệ thống kiểm tra hoàn toàn tự động bằng máy móc, do đó xét về lý thuyết thì bề mặt miếng kính mới mở ra đều hoàn toàn sạch sẽ. Nên việc bị mờ có thể là do trước khi chạm vào miếng kính bạn chưa rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và lau khô, khiến chất bẩn trên ngón tay dính vào miếng kính. Nếu gặp trường hợp này, trước hết phải rửa kỹ lại hai bàn tay bằng xà phòng, sau đó tháo kính ra dùng dung dịch ngâm giội rửa thật sạch rồi đeo lên lại xem đã rõ chưa. Ngoài ra, cũng nên dùng khăn giấy lau sạch mặt, nhất là vùng da quanh mắt để hạn chế bụi bẩn bám vào tay lúc đeo và dính vào miếng kính.


Q21: Vì sao cùng 1 loại kính nhưng có người mang thấy dễ chịu, có người lại thấy khó chịu?

A21: Đường cong nhãn cầu của mỗi người đều khác nhau, và mỗi nhãn hiệu kính áp tròng đều được thiết kế với bán kính cong (BC) không giống nhau,  dẫn đến việc cùng 1 loại kính nhưng mỗi người khi đeo sẽ có cảm nhận khác nhau. Kính áp tròng Eye Secret có bán kính cong 8.6mm, phù hợp với phần lớn người châu Á, song vẫn có 1 số ít người có đường cong nhãn cầu đặc biệt, dẫn đến việc đeo lên không thoải mái.


Q22: Nguyên nhân nào dẫn đến các bệnh về mắt khi sử dụng kính áp tròng?

A22: Bên cạnh nguyên nhân sử dụng kính áp tròng kém chất lượng, việc sử dụng sai cách cũng có thể dẫn đến các bệnh về mắt như:

  1. Vệ sinh lens kém: Cần rửa và ngâm cẩn thận sau mỗi lần đeo bằng dung dịch chuyên dụng
  2. Lạm dụng và đeo lens quá thường xuyên: Một tuần chỉ nên đeo lens 5-6 ngày và cho mắt nghỉ ngơi 1-2 ngày nhé
  3. Đeo chung lens với người khác: Rất dễ bị lây nhiễm các bệnh về mắt
  4. Đeo lens quá thời hạn cho phép trong ngày: Mắt cũng cần được thở, do đó chỉ đeo lens 10-12 tiếng mỗi ngày thôi bạn nhé
  5. Không dùng nước nhỏ, nước ngâm khi sử dụng lens: Nếu mắt bạn thuộc dạng khô thì cần chuẩn bị nước nhỏ mắt loại chuyên dùng cho kính áp tròng, và nhớ chuẩn bị dung dịch ngâm để rửa và ngâm lens nhé.
  6. Tự ý sử dụng nước muối, hay các nước rửa khác thay cho các dung dịch bảo quản chuyên dụng
  7. Không đeo kèm kính gọng bảo vệ mắt khi đeo lens ra ngoài đường: Bụi bám lên miếng lens dễ gây cộm, xót cho người đeo lens
  8. Không rửa tay trước khi chạm vào miếng lens.
  9. Để lens tiếp xúc với các loại nước thông thường: nước mưa, nước máy,…
  10. Không thay khay đựng, và vệ sinh khay đựng
  11. Dùng quá hạn sử dụng của dung dịch bảo quản kính và thuốc nhỏ mắt


Q23: LÀM SAO ĐỂ BIẾT MẮT MÌNH ĐEO HỢP LOẠI GIÃN HAY ÁP TRÒNG NÀO?

A23: Các nàng có thể inbox người bán hàng kinh nghiệm để được họ tư vấn cụ thể về độ giãn phù hợp. Hoặc không để tự giữ an toàn có thể chọn những cỡ giãn nhẹ, vừa phải. Nếu mắt nhỏ, ta không nên cố dùng giãn lớn nhất, vì sẽ phản tác dụng hoàn toàn cả về thẩm mĩ lần chất lượng:

+ Kích cỡ quá to so với mắt nhỏ, sẽ làm mắt bạn trông khá giả, không thật và không đẹp.

+ Kích cỡ quá to sẽ làm mắt bị kích thích, khi đeo có cảm giác cồm cộm ở viền kính ( cảm giác này khác với cảm giác bị cộm do kính lỗi) , nếu vẫn có gắng tiếp tục sẽ gây ra xước hay sưng vùng mí mắt trong, và các bệnh nặng hơn.



Q24: Xử trí các biến cố do đeo kính áp tròng

A24:- Đau rát khi mang kính: Nguyên nhân là mang kính sai kích cỡ, có dị vật lọt vào mắt, kính bị hỏng, xước giác mạc, các viêm nhiễm tại giác mạc... Cần đến gặp bác sĩ ngay.

Nhìn mờ khi đeo kính: Nguyên nhân là kính quá chật hoặc quá lỏng, đeo kính không đúng số, tích tụ nhầy nhớt tại kính, có thể do bệnh nhân có thêm những vấn đề khác ở mắt. Cần vệ sinh kính bằng dịch khử protein hoặc đến khám bác sĩ nếu cần thiết.

Cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy khi mang kính: Do lạm dụng việc đeo kính áp tròng (đeo quá giờ quy định), giảm chất lượng và số lượng nước mắt, viêm kết mạc có nhú gai khổng lồ, không dung nạp được kính, dị ứng với hóa chất trong các dung dịch. Cần tháo kính và đi bác sĩ ngay.

Không thể tháo được kính: Do sử dụng kính không phù hợp, thao tác sai khi tháo kính hoặc kính đã rơi ra ngoài mắt nhưng còn nằm lẫn ở mi trên. Cách xử trí là: Đứng trước gương, dùng các loại dịch nhỏ mắt để làm kính nổi lên hoặc trở về vị trí cũ trên giác mạc, sau đó dùng ngón tay nhẹ nhàng tháo kính ra. Nếu các thao tác trên vẫn thất bại thì bạn phải đến gặp bác sĩ để được giúp đỡ.

Ở Việt Nam, do điều kiện vệ sinh, môi trường, nước sinh hoạt còn ở mức thấp nên khả năng viêm nhiễm mắt ở bệnh nhân đeo kính áp tròng là rất lớn. Vì vậy, đeo kính áp tròng không phải là một giải pháp tối ưu.


Q25: Vì sao trên vỉ kính áp tròng của các thương hiệu lớn đều ghi "Not for individual sale"?


A25: Câu này có nghĩa là không được xé lẻ ra để bán đấy. Kính áp tròng thông thường khi sản xuất ra đều được đóng gói trong hộp giấy và niêm phong cẩn thận, để đảm bảo vỉ kính bên trong được bảo quản tốt nhất, không bị động vật cắn, phá, không bị nứt vỡ, hỏng hóc, nhiễm khuẩn...

Do đó, khi mua kính áp tròng chúng ta nên chú ý xem bao bì sản phẩm có còn nguyên vẹn hay không, tuyệt đối không nên mua các sản phẩm đã bị mất vỏ hộp, không có nhãn mác rõ ràng nhé các bạn!

Q26: Vì sao kính áp tròng thỉnh thoảng khi đeo lên lại bị mờ?
A26:1/ Chưa rửa sạch tay trước khi đeo, chất bẩn trên tay sẽ bám vào làm mờ bề mặt kính, khi đó ta chỉ cần tháo kính ra, dùng dung dịch ngâm rửa lại là đeo tiếp được.
2/ Miếng kính không bị bẩn, nhưng bị những chất dịch tiết ra từ tuyến lệ trên mắt bám lên (như gỉ mắt...), trường hợp này, bạn dùng khăn giấy ướt hoặc khăn bông ướt nhẹ nhàng chùi sạch mí mắt, đồng thời vệ sinh lại kính áp tròng là được.
3/ Bán kính cong (BC) của kính áp tròng không phù hợp với mắt (quá rộng hoặc quá chật)
Bán kính cong không phù hợp với đường cong nhãn cầu, khiến cho miếng kính không thể ốp sát vào tròng mắt, do đó không nằm đúng vị trí, không phát huy được tác dụng trị cận thị dẫn đến hình ảnh mờ, nhoè.
Để khắc phục tình trạng này, tốt nhất nên lựa chọn nhãn hiệu kính áp tròng được thiết kế phù hợp với nhãn cầu của phần lớn người châu Á như Eye Secret bạn nhé!
4/ Mắt quá khô lúc đeo kính áp tròng
Lượng nước mắt vừa phải sẽ duy trì một lớp màng trơn trên giác mạc, ánh sáng đi qua có thể hội tụ vào ngay giữa đồng tử, giúp ta nhìn thấy rõ hơn. Mắt quá khô sẽ khiến miếng kính không thể bám hoàn toàn vào bề mặt nhãn cầu, dẫn đến nằm lệch vị trí. Với những bạn mắt dễ khô, nên chuẩn bị thêm nước nhỏ mắt để bổ sung nước mắt nhé!
5/ Một nguyên nhân khác khiến miếng kính hay bị mờ đó là do kính đã hết hạn sử dụng, dẫn đến kính bị biến dạng, hoặc rửa không còn sạch được nữa. Đó là lúc bạn cần phải mua cặp kính mới thay thế rồi đấy!
--